Ông Thích Minh Tuệ chia sẻ 6 năm qua, không liên lạc với gia đình bởi tu tập nên không dùng điện thoại. Ông muốn bộ hành trọn đời, thực hành những lời dạy của đức Phật.
Ngày 17/5, trên hành trình khất thực từ Bắc vào Nam, ông Thích Minh Tuệ (43 tuổi) dừng chân nghỉ tại một bãi đất trống ở xã Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Tại đây, đông đảo người dân đi theo, vây quanh ông để nghe trò chuyện.
Rất nhiều người đã đến chắp tay "vái thầy" và cúng dường nước, thức ăn, song ông Thích Minh Tuệ nói: "Con nhận nước đủ để uống. Mọi người có tâm là được, chứ nhận nhiều nước con sẽ không uống hết. Nếu cứ 100 người dân mà mỗi người đều cho một chai nước thì con có 100 chai nước. Con sẽ không uống hết và không thể mang theo người".
Ông Thích Minh Tuệ dừng chân ở Hà Tĩnh. Ảnh: TL
Trước việc có đông đảo người dân đi bộ theo ông, trong đó có YouTuber, TikToker... chen lấn để quay phim, chụp ảnh, ông Minh Tuệ cho biết "Con đi tu hành, đang tập học chứ chưa có thành tựu gì cả, con cũng không phải là Phật, là thánh gì cả. Những người đi quay phim, YouTuber, TikToker... con cũng không có quyền đuổi họ, nhưng họ đi trước hay đi sau thì đi thẳng hàng lối, chứ đừng chạy lộn xộn, chen lấn. Hôm qua và hôm nay chạy xô nhau chen lấn quay phim thì cũng không tốt đẹp. Công an vì mình mà họ cũng mệt, tắc nghẽn giao thông".
Không phải là tu sĩ Phật giáo
Ông Tuệ chia sẻ, ông tên thật là Lê Anh Tú. Quê ông ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1994, gia đình chuyển vào tỉnh Gia Lai sinh sống. Trước đây, ông từng có thời gian ngắn vào chùa để tu tập, lấy pháp danh là Thích Minh Tuệ, song chưa có duyên ở lại chùa.
"Minh có nghĩa là sáng, Tuệ là trí tuệ, ý nghĩa cái tên là con đường soi sáng. Sau này, khi cảm thấy không còn duyên ở chùa, con ra ngoài và vẫn giữ pháp danh này", ông Tuệ nói.
Năm 2017, ông Minh Tuệ bắt đầu đi bộ tới nhiều tỉnh thành. Khi quyết định bỏ nhà, bỏ công việc ổn định để đi bộ hành, bản thân ông cũng đã suy nghĩ rất kỹ. Sau đó, ông đã xin phép gia đình cho mình đi bộ tu tập theo lời Phật dạy. Ông nói thời gian đầu đôi lúc mệt phải di chuyển bằng xe khách. Từ năm 2020 đến nay, ông bộ hành tuyệt đối, chỉ di chuyển bằng đường thủy khi phải đi qua đò, qua sông. Đến nay, ông đã đặt chân tới gần như khắp mọi miền đất nước.
Hơn 6 năm qua, ông Minh Tuệ không liên lạc với gia đình bởi bản thân ông tu tập nên không dùng điện thoại. Dẫu vậy, ông cho biết, luôn đặt gia đình trong tim, luôn nhớ tới công ơn của cha mẹ qua lời cầu nguyện. "Con cầu nguyện cho cha mẹ được bình an, may mắn. Con không có tài sản, vật chất nhưng con cho người thân niềm tin là không bao giờ làm khổ cha mẹ. Ví dụ như các việc để xảy ra vi phạm pháp luật...", ông Tuệ tâm sự.
Nhiều người dân vây quanh ông Thích Minh Tuệ tại bãi đất trống ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: TL
Ông Thích Minh Tuệ cho biết, đối với ông, tất cả hành trình đi bộ đều không khó khăn. "Khi di chuyển, nếu tâm mình an lạc, hạnh phúc và vượt qua được những trắc trở thì sẽ cảm thấy không còn bất cứ trở ngại gì ở phía trước nữa...
Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình", ông Tuệ nói.
Mặc dù đã từng có thời gian ở chùa, nhưng ông Minh Tuệ cho hay, bản thân ông hiện nay không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
"Con không liên quan đến chính trị, đảng phái, hay giáo hội nào, nên những văn bản liên quan đến con, con cũng không cần biết. Việc của con là tu tập, đi theo lời Phật dạy: Không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói láo, không uống rượu bia, ăn chay ngày một bữa trước 12h, không nghe ca hát, xem phim, không cất giữ tiền bạc... Con không nhận tiền bạc của bất kì ai qua hình thức nào cả, buổi chiều con không nhận thức ăn, chỉ có chai nước suối, nếu họ không có cho nước suối thì thôi", ông Minh Tuệ cho hay.
Về việc Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản khẳng định ông Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo, ông Minh Tuệ nói không liên quan đến văn bản trên. Từ trước đến nay, ông chưa từng nhận mình là tu sĩ và bản thân cũng "cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó".